Ở cái thời mà nhà nhà, người người đều có thể sở hữu cho mình ít nhất một chiếc xe máy để di chuyển, người dân và du khách đến Huế sẽ vô cùng ngạc nhiên khi thấy ngay chợ Đông Ba, khu chợ nổi tiếng bậc nhất ở Cố đô Huế vẫn còn những người mưu sinh với những chuyến hàng nặng trĩu bằng chiếc xe đạp cũ.
Lật lại lịch sử có thể thấy, nghề đạp xe thồ ở Thừa Thiên Huế từng được coi như quá khứ "rực rỡ thậm chí mang đậm dấu ấn truyền thống của vùng đất này.
Khoảng thập niên 1980, khi nhu cầu đi lại không nhiều như bây giờ, người dân Huế chủ yếu theo những chuyến xe lam các tuyến Đông Ba - Tây Lộc, Đông Ba - An Cựu, Chợ Nọ - Chợ Dinh... Xích lô hồi đó khá phổ biến nhưng xe đạp thồ vẫn nhiều hơn cả.
Ông Trần Đình Tuất một trong những người mưu sinh bằng xe đạp thồ ở chợ Đông Ba
Những năm đói kém người dân Huế coi chiếc xe đạp chạy thồ là "cần câu cơm" nuôi cả gia đình. Dần dần xe đạp trở nên phổ biến, tầm ảnh hưởng của xe đạp thồ dần trở nên yếu thế. Tuy nhiên, thói quen đó vẫn được duy trì đến ngày nay như một nét văn hóa xưa cũ đồng thời cũng là nghề mưu sinh của những người già.
TP. Huế đang trải qua những ngày cuối năm 2023 với mưa phùn và nền nhiệt độ xuống thấp, trung bình khoảng 17 độ C. Cái rét như"cắt da thịt" khiến cho công việc mưu sinh của những người đàn ông độ tuổi xế chiều trên chiếc xe đạp cũ trở nên vất vả hơn.
Theo thống kê, toàn TP Huế hiện nay có gần 20 người vẫn đang gắn bó với nghề đạp xe chở hàng trong đó chủ yếu tập trung ở chợ Đông Ba, số còn lại ở chợ An Cựu, Tây Lộc, Vỹ Dạ. Hầu hết những người hành nghề này đều đã lớn tuổi, họ gắn bó với chiếc xe đạp được trang bị chiếc yên phía sau bằng tấm ván bọc đệm mỏng.
Ông Trần Đình Tuất (79 tuổi, trú tại phường Phú Hậu, TP Huế) cho biết, ông đã gắn bó với nghề xe đạp thồ tại chợ Đông Ba được 30 năm nay. Dù mưa lạnh, nhưng vì cuộc sống mưu sinh hằng ngày ông đều đến chợ từ sáng sớm để mong kiếm được những chuyến hàng từ các tiểu thương bỏ sỉ vào các quán ăn.
"Những ngày gần Tết mọi năm mỗi ngày tôi có thể thu nhập được 50.000 đồng/ngày, còn ngày bình thường nhiều khi chẳng được ai thuê", ông Tuất nói.
Để hành nghề chở hàng, những chiếc xe đạp đã ít nhiều được cải tiến với những trang bị mới như gắn thêm cái giỏ để đựng những vật dụng cần thiết, hay cặp kính để tiện quan sát phía sau...
Theo chia sẻ của các "tài chở hàng" phương tiện hiện đại xuất hiện ngày một nhiều nên những người làm nghề như họ ngày càng lép vế.
Các tiểu thương thường thuê xe tải hay xe ba gác, xe máy để chở hàng vì nhanh và tiện hơn. Đa phần những người còn làm nghề này ở chợ Đông Ba đều vì hoàn cảnh khó khăn mà cố gắng bám trụ để có thêm thu nhập lo cho cuộc sống, con cái ăn học.
Hầu hết những người đạp xe chở hàng ở chợ Đông Ba đều đã lớn tuổi
Trong khi một số người hành nghề chở hàng bằng ô tô, xe máy, xe ba gác… có nhiều cách xoay xở thì người làm nghề xe đạp thồ chỉ biết ngồi lặng lẽ nơi góc chợ để chờ từng chuyến hàng ít ỏi kiếm thêm vài chục nghìn lo cơm áo hàng ngày. Trên khuôn mặt của những con người gầy gò, khắc khổ ấy không giấu nổi nét rầu rĩ, suy tư và lo lắng.
"Trừ khi nhà có việc hoặc đau ốm thì chúng tôi mới ở nhà, còn không, dù có mưa nắng vẫn đến chợ để chờ tiểu thương thuê được chuyến nào hay chuyến nấy. Là lao động chính trong nhà, cho dù có ốm cũng phải gắng gượng để cho con mình không phải thiệt thòi”, ông Lê Văn Đắc (69 tuổi, trú tại phường Phú Hiệp, TP Huế) người đã gần 40 năm đạp xe thồ ở chợ Đông Ba chia sẻ.
Hoàn cảnh cơ cực như nhau, nhưng những người làm nghề xe đạp thồ ở chợ Đông Ba lại giữ một nguyên tắc là họ không bao giờ tranh giành khách của nhau. Ngược lại, họ sẵn sàng san sẻ nhau từng chuyến hàng, người nào mà nay chưa có chuyến nào thì sẽ được nhường. Không chỉ thế, họ còn san sẻ nhau từng hộp cơm, chai nước khi được các nhà hảo tâm mang đến vào buổi trưa.
Trước đây những người chạy xe đạp thồ có một nghiệp đoàn riêng. Nghiệp đoàn xe đạp thồ ở chợ Đông Ba khoảng 4 năm trước lên đến gần 500 thành viên nhưng bây giờ chỉ còn lại khoảng trên dưới 20 người.
"Cái nghề này rồi chắc cũng phải giải nghệ vì quá lỗi thời và lạc hậu. Khi lớp người này về già và không còn đủ khả năng thì cái nghề cực nhọc này chắc cũng chẳng còn nữa", một người đạp xe buồn rầu cho biết.
-> Về làng mộc trăm năm xem thợ dựng nhà tiền tỷ
Nguyễn Hiền