Bàn chân của người bệnh tiểu đường dù chỉ bị xây xước nhẹ cũng có thể bị hoại tử nặng. Nếu tình trạng đường huyết không ổn định và người bệnh có các biến chứng mạch máu, thần kinh đi kèm có thể phải cắt cụt chi. Chăm sóc bàn chân của người bị tiểu đường rất quan trọng nhằm phòng tránh những biến chứng nguy hiểm.
BS.CKI Phan Thị Thùy Dung, khoa Nội tiết, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM chia sẻ, bàn chân của người bệnh tiểu đường có thể bị các biến dạng, viêm loét và nặng hơn hoại tử dẫn đến phải đoạn chi. Biến chứng bàn chân ở người bệnh tiểu đường gặp nhiều ở nam giới hơn so với nữ giới. Riêng ở nhóm người bệnh lớn tuổi, người mắc bệnh tiểu đường lâu năm, tăng cholesterol, hút thuốc lá... sẽ có tỷ lệ bị biến chứng này cao hơn. Bác sĩ Dung chỉ ra 10 nguyên tắc chăm sóc bàn chân tiểu đường.
Vệ sinh bàn chân mỗi ngày
Người bệnh tiểu đường cần rửa sạch chân mỗi ngày, dùng nước ấm khoảng 37 độ C, không nên ngâm chân. Các đối tượng mắc bệnh lâu năm, lớn tuổi, đường huyết kiểm soát kém có các biến chứng thần kinh ngoại biên sẽ không cảm giác được nhiệt độ cao hay thấp, nếu ngâm chân quá lâu trong nước ấm nóng dễ bị bỏng, rát.
Người bệnh cần lau khô chân bằng khăn bông mềm thấm nước. Bạn bắt đầu lau nhẹ nhàng từ gót chân, lòng bàn chân, mu bàn chân và các kẽ chân; giữ cho bàn chân sạch và khô đặc biệt là vùng kẽ ngón. Người bệnh không được chà xát mạnh sẽ làm tổn thương lên da.
Nếu da khô nên dùng kem dưỡng ẩm
Nếu da bàn chân bị khô, nứt nẻ thì bạn nên thoa kem dưỡng ẩm để làm mềm da. Bạn lưu ý thoa kem dưỡng lên gót, mu bàn chân và lòng bàn chân, không thoa kem ở các kẽ chân vì điều này có thể dẫn đến nhiễm trùng.
Kiểm tra chân hàng ngày
Người bệnh nên thường xuyên kiểm tra bàn chân để phát hiện sớm những bất thường, có thể chọn một thời điểm cố định trong ngày để kiểm tra. Bạn chọn nơi nhiều ánh sáng, có thể sử dụng gương để xem lòng bàn chân. Ở những vị trí khó có thể nhìn thấy hoặc mắt người bệnh yếu thì có thể nhờ người thân kiểm tra giúp.
Kiểm tra bàn chân có thể giúp phát hiện bất thường. Ảnh: Shutterstock
Không đi chân đất
Người bệnh tiểu đường nên mang giày dép khi đi lại trong nhà, không chỉ tránh bụi bẩn mà giảm nguy cơ va chạm với vật cứng gây tổn thương, nhiễm khuẩn. Tuyệt đối không đi chân đất khi ra ngoài.
Cắt và mài nhẵn móng chân nhẹ nhàng
Người bệnh không để móng chân dài, có góc cạnh sắc nhọn dễ gây chảy máu bàn chân hoặc các tai nạn do móng chân dài gây ra như lật móng bàn chân... Bạn cắt móng chân ngang và sử dụng dũa móng mài nhẵn. Khi cắt cần thực hiện nhẹ nhàng, từ từ nhất là người lớn tuổi thì móng chân thường dày; tránh lấy khóe móng chân vì có thể gây tổn thương ngón chân. Nếu người bệnh không thể cắt móng chân thì liên hệ nhân viên y tế hỗ trợ để đảm bảo an toàn cho bàn chân.
Bạn có thể nhờ nhân viên y tế cắn móng để đảm bảo an toàn cho bàn chân, tránh xây xước nhiễm trùng. Ảnh: Shutterstock
Chọn tất mềm, thoải mái
Người bệnh chọn tất chân làm bằng các loại vải mềm, đường may không cộm và không quá chật, không bót sát cổ chân. Tất nên được thay thường xuyên, không mang một đôi tất quá một ngày. Tất giặt xong nên phơi dưới ánh nắng mặt trời để diệt sạch vi khuẩn. Không mang tất khi chân hoặc tất còn ẩm ướt.
Chọn giày vừa vặn với chân
Bạn nên đi mua giày vào buổi chiều tối vì đó là thời gian mà kích thước bàn chân lớn nhất. Giày mới mua nên đi từ 2 đến 3 tiếng trong ngày, sau đó mới có thể mang nhiều hơn. Chọn một đôi giày vừa vặn, có chất liệu mềm mại, thoáng khí. Bạn luôn đi tất cùng với giày để tránh bị cọ xát gây tổn thương. Kiểm tra giày dép cẩn thận có dị vật bên trong hay không trước khi mang vào chân.
Không tự ý loại bỏ các mảng chai ở trên chân
Chân có nhiều mảng chai nhưng không nên dùng các dụng cụ sắc nhọn để loại bỏ vì có thể làm tổn thương chân. Người bệnh nên đến bệnh viện và nhờ nhân viên y tế loại bỏ các mảng chai đúng cách và an toàn.
Giữ cho mạch máu lưu thông
Bạn nên giữ cho mạch máu chân được lưu thông tốt bằng cách nâng cao chân khi ngồi bằng ghế. Cử động xoay bàn chân, mắt cá chân và lắc lư các ngón chân 2-3 lần một ngày, mỗi lần ít nhất 5 phút. Người bệnh không ngồi vắt chéo chân ở bắp đùi hay vắt chéo ngay cổ chân làm chèn mạch máu, quá trình lưu thông máu bị hạn chế.
Tập thể dục thường xuyên
Bạn nên chọn các bài tập thể dục dành cho chân và thực hiện thường xuyên để giúp mạch máu lưu thông tốt cũng như tăng cường sức khỏe. Bạn chọn các môn nhẹ nhàng như: đi bộ, đạp xe, bơi lội... có thể hỏi ý kiến bác sĩ theo dõi điều trị về các môn thể thao phù hợp với tình trạng sức khỏe của mình.
Theo bác sĩ Thùy Dung, khi kiểm tra bàn chân hàng ngày và nếu phát hiện các triệu chứng bất thường nào dưới đây bạn cần tới bệnh viện.
- Da chân khô nứt, thay đổi màu sắc và nhiệt độ
- Móng chân dày và vàng hoặc móng mọc ngược.
- Bàn chân bị thay đổi hình dạng.
- Rụng lông ở ngón chân hoặc cẳng chân.
- Bàn chân bị giảm hoặc mất khả năng cảm nhận nhiệt độ.
- Cảm thấy ngứa ran, bỏng rát hoặc bị đau ở bàn chân.
- Đau ở chân hoặc bị chuột rút ở mông, đùi hoặc bắp chân khi tập thể dục.
- Nhiễm nấm ở da chân và ở kẽ ngón chân.
- Xuất hiện vết phồng rộp, vết loét, bắp chân bị nhiễm trùng.
Biến chứng bàn chân tiểu đường có thể phòng ngừa nếu biết cách chăm sóc bàn chân tốt. Bạn cũng cần phải đi khám sức khỏe đúng định kỳ và theo dõi đường huyết thường xuyên.
Đinh Tiên