Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân đề xuất bỏ yêu cầu khách quốc tế đến Việt Nam phải có xét nghiệm âm tính vì cản trở mở cửa du lịch.
Đề xuất của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV), thuộc Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính, gửi Thủ tướng ngày 6/5. Ban này đồng thời đề nghị Bộ Y tế chỉ yêu cầu xét nghiệm nhanh tại cửa khẩu với những người nhập cảnh có triệu chứng như ho, sốt.
Quy định khách đến Việt Nam phải có bảo hiểm "bao gồm nội dung dành cho điều trị Covid-19" cũng được đề xuất bỏ. Hiện khách nhập cảnh Việt Nam phải có bảo hiểm y tế có nội dung chi trả điều trị Covid-19, mức tối thiểu 10.000 USD.
Những đề xuất trên xuất phát từ quy định về y tế với khách quốc tế "chưa theo kịp tình hình, chưa thuận lợi và không chứng minh được giá trị chống dịch rõ ràng". Du khách trong nước khi đi lại từ nơi này đến nơi khác đã không phải xét nghiệm và khai báo y tế. Vì vậy, theo Ban IV, nếu không thay đổi, khách quốc tế sẽ lựa chọn đến nước khác có quy định thuận lợi hơn Việt Nam.
Khách từ Ukraine làm thủ tục nhập cảnh tại sân bay quốc tế Nội Bài hôm 8/3/2022. Ảnh: Giang Huy
Ban IV nhận định, chính sách thị thực chưa được vận hành như trước khi xảy ra đại dịch Covid-19. Chính sách ưu đãi về miễn thị thực "chưa đáp ứng được các xu hướng du lịch sau dịch bệnh, chưa cạnh tranh với các nước trong khu vực". Khách đến Việt Nam vẫn phải làm nhiều thủ tục, giấy tờ phức tạp. Thị thực điện tử (e-visa) chưa có cơ chế xác nhận ngày trả lời kết quả tự động trên website; chưa giải thích vì sao hồ sơ bị từ chối, khiến du khách nhập cảnh gặp khó khăn.
Vì vậy, Ban IV đề xuất Bộ Ngoại giao và Công an nghiên cứu phương án cải thiện chính sách thị thực và thị thực điện tử. Cụ thể, Việt Nam nên mở rộng danh sách miễn thị thực cho các thị trường tiềm năng như Mỹ, Ấn Độ, Canada, Australia, New Zealand, Thụy Sĩ, Bỉ, Hà Lan; tăng thời gian miễn thị thực cho các thị trường xa như châu Âu (Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Italy, Bắc Âu) từ 15 ngày lên 30 ngày. Việt Nam nên áp dụng thị thực xuất nhập cảnh nhiều lần và có giá trị miễn nhiều ngày hơn; giảm giấy tờ và thủ tục với doanh nghiệp lữ hành hoặc với du khách; đơn giản thị thực điện tử và thị thực tại cửa khẩu.
Ban IV đề xuất Thủ tướng thành lập Tổ công tác đặc biệt, gồm nhiều thành phần như đại diện khu vực công, tư nhân; điều hành trực tuyến dựa trên dữ liệu thực tế, thường xuyên cập nhật tình hình để đưa ra các quyết sách kịp thời. Tổ công tác sẽ hỗ trợ Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đề xuất cải thiện các quy định mở cửa du lịch quốc tế thông thoáng, thuận lợi hơn.
Việt Nam bắt đầu mở cửa du lịch quốc tế từ 15/3. Từ đầu năm đến nay, cả nước đón hơn 22.300 lượt khách quốc tế; tháng 3 đón 15.000 lượt.
Theo quy định của Bộ Y tế, người nhập cảnh Việt Nam theo đường hàng không cần kết quả xét nghiệm âm tính nCoV bằng PCR trong vòng 72 giờ; nếu là test nhanh trong vòng 24 giờ.
Người nhập cảnh đường bộ, đường thủy, đường sắt áp dụng quy định tương tự. Trường hợp chưa có xét nghiệm thì trong 24 giờ đầu kể từ khi nhập cảnh, từ cửa khẩu về nơi lưu trú (khách sạn, nhà riêng...) cần hạn chế dừng, tiếp xúc với người khác. Sau khi có kết quả xét nghiệm âm tính, họ có thể tự do đi lại. Trẻ em dưới 2 tuổi không bắt buộc xét nghiệm và đi theo bố mẹ, người thân...
Hồi đầu tháng 3/2022, Hội đồng Tư vấn Du lịch từng đề xuất Chính phủ bỏ yêu cầu xét nghiệm với du khách trước và sau khi đến Việt Nam. Tuy nhiên, Bộ Y tế mới bỏ quy định dừng khai báo y tế với người nhập cảnh từ 27/4.
Viết TuânTrở lại Thời sựTrở lại Thời sựChia sẻ ×