Thời điểm nắng nóng, nhu cầu sử dụng nước ở Hà Nội tăng, các đơn vị phải có phương án để người dân không bị thiếu nước sạch kéo dài, chuẩn bị xe bồn đến "điểm nóng".
Giữa Thủ đô: 2, 3 tháng không dám ăn rau vì thiếu nước rửa
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn vừa ký văn bản yêu cầu các đơn vị liên quan của thành phố bảo đảm cung cấp nước sạch mùa hè năm 2024 trên địa bàn.
Cụ thể, các đơn vị sản xuất nước sạch trên địa bàn thành phố được yêu cầu duy trì sản xuất, cung cấp tổng công suất khoảng 1,4 triệu - 1,6 triệu m3 nước/ngày đêm. Trong đó, Công ty nước sạch Hà Nội sản xuất khoảng 547.000 - 578.000 m3/ngày đêm (ng/đ); Nước sạch sông Đà sản xuất khoảng 323.000 m3/ng/đ; Nước mặt sông Đuống sản xuất 300.000 m3/ng/đ…
Theo Công ty nước sạch Hà Nội, việc cấp nước mùa hè năm 2024 tại 16 quận, huyện với tổng số dân khoảng 4 triệu người của đơn vị sẽ gặp nhiều khó khăn do nguồn nước ngầm sụt giảm. Trong khi đó, các nhà máy nước sạch khác (Nước sạch sông Đà, Nước mặt sông Đuống) cấp vào mạng lưới của công ty dự báo có thể thiếu từ 10.000-40.000 m3/ng/đ, cao điểm có thể thiếu tới 60.000 m3/ng/đ.
TP Hà Nội yêu cầu không để người dân mất nước kéo dài trong mùa hè năm 2024. (Ảnh: Nam Khánh)
TP Hà Nội dự kiến mùa hè năm nay nhu cầu sử dụng nước tăng 6,5% so với năm 2023. Đặc biệt, vào thời gian cao điểm nắng nóng, nhu cầu sử dụng nước tăng cao so với trung bình khoảng 5-10% sẽ gây ra tình trạng thiếu nước cục bộ tại những khu vực cuối nguồn, cốt địa hình cao, khu vực chỉ có một nguồn cấp…
Cụ thể, hè 2024, một số khu vực tiếp tục xảy ra thiếu nước thậm chí mất nước tại một số thời điểm nắng nóng. Như tại quận Ba Đình có khu vực ngoài đê An Dương, Phúc Xá, Hoàng Hoa Thám, Vĩnh Phúc; Quận Tây Hồ có khu vực Đê Quai, Âu Cơ, Tứ Liên, Quảng An; Quận Hai Bà Trưng có điểm Nguyễn Khoái, cuối phố Tạ Quang Bửu...
Trước tình hình trên, UBND TP Hà Nội yêu cầu các công ty duy trì sản xuất, vận hành tối đa công suất các nhà máy nước, các trạm cấp nước, đáp ứng với khả năng cao nhất về nhu cầu sử dụng nước của 100% hộ dân khu vực nội thành và một số khu vực của các huyện đã đầu tư hệ thống cấp nước tập trung.
UBND TP Hà Nội cũng chỉ đạo phân bổ điều tiết nguồn nước bảo đảm hài hòa giữa nguồn cấp và nhu cầu cũng như khả năng tiếp cận nguồn nước của từng khu vực, ưu tiên nguồn cấp cho khu vực chỉ có một nguồn cấp, không để xảy ra mất nước kéo dài, ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân; cải tạo nâng cấp các trạm cấp nước hiện có nhằm tăng tối đa nguồn cung cho hệ thống.
Thành phố cũng yêu cầu tiếp tục thực hiện đầu tư cải tạo mạng lưới cấp nước, giảm thất thoát thất thu nước sạch, ứng dụng công nghệ 4.0 về quản lý khách hàng; duy trì vận hành các trạm bơm tăng áp cục bộ, vận hành mạng lưới cấp nước hợp lý kết hợp tuyên truyền, vận động nhân dân sử dụng nước tiết kiệm, ưu tiên sử dụng nước cho nhu cầu ăn, uống.
Trường hợp nguồn cấp nước bị gián đoạn, UBND TP Hà Nội yêu cầu các đơn vị huy động xe bồn chở nước đến cho các hộ dân ở khu vực cuối nguồn, chung cư, đặc biệt là bệnh viên, trường học…
Một nhiệm vụ khác, thành phố yêu cầu tăng cường kiểm soát chất lượng nước nguồn, nước sau xử lý, cập nhật về trung tâm quan trắc chất lượng nước của Sở TN&MT để quản lý, điều tiết, giám sát hệ thống cấp nước sạch; điều tiết nguồn cấp giữa các nhà máy nước tập trung trong trường hợp sự cố, nhu cầu sử dụng tăng cao, bảo đảm cấp nước an toàn.
TinMới đầu hè, người Hà Nội đã kêu trời vì thiếu nước sạchTheo Vietnamnet