Mở lời để mở lòng mình thì người khác mới có thể bước vào và giúp đỡ chúng ta chứ, đúng không?
Tôi vẫn luôn cho rằng giao tiếp là thứ đặc ân của cuộc đời. Nhưng đúng là nhiều người đã không sử dụng chúng. Nên nhiều khi nó trở thành thương tổn vĩnh viễn. Nên nhiều mối quan hệ vì thế mà đứt gãy. Như những người vợ cố nuốt vào trong những ấm ức vì vai phụ nữ, nghĩa hy sinh. Như những người chồng gánh hết mọi thứ vì vai đàn ông, nghĩa trụ cột. Như cha mẹ với con cái và con cái trước cha mẹ. Như đồng nghiệp với nhau. Và cả những kết nối trên mạng xã hội này.
Là bởi nhiều người vợ cho rằng chồng phải hiểu mình, nói ra rồi thì đâu còn nghĩa lý gì? Hay cả đã nói nhiều lắm rồi nhưng chồng vẫn chẳng chịu cho vào đầu, nên chán, nên nản, nên kệ, nên im. Là bởi nhiều người mẹ tự ôm đồm mọi thứ vì cho rằng làm mẹ phải thế. Là bởi nhiều mối quan hệ đâu đủ thân mà bộc tuệch cõi lòng? Là bởi chẳng còn tin rằng cuộc đời này còn người tử tế lắng nghe mình. Là bởi vô vàn những lý do khác nữa khiến họ không mở lời và tự chịu đựng những thương tổn.
Mở lời để mở lòng mình thì người khác mới có thể bước vào và giúp đỡ chúng ta chứ (Ảnh minh họa)
Tôi đã từng nghĩ đời tôi may mắn khi mình có thể đi qua mọi tổn thương hoặc vì mình quá may mắn nên chẳng phải chịu những thương tổn nào. Nhưng hóa ra là bởi tôi là kẻ hay nói khi bé. Lúc nào cũng bô lô ba la với mọi bạn bè, người lớn hay bất cứ mối quan hệ nào dù thân sơ. Mọi nỗi buồn đều có thể tan biến rất nhanh khi tôi nói ra được nó với những người tôi gặp. Dù đó là anh chàng Tây biết bập bõm tiếng Việt tôi gặp nơi quán café hồi sinh viên. Hay đó có thể là cậu bé đánh giày hay chuyện. Về sau này có vợ và có con, tôi luôn bô lô ba la mọi thứ với vợ mình, con mình.
Tôi nhận ra rằng nỗi đau nào cũng sẽ nhạt dần đi, nhẹ dần đi sau mỗi lần mình dốc ruột. Nên có khi là 2h sáng, tôi vẫn dựng bạn bè mình dậy, lôi chúng ra khỏi chăn và ngồi với chúng co ro trong một quán xuyên đêm nào đó. Bởi tôi luôn mặc định rằng: Bạn bè là để sử dụng những lúc thế này. Huống chi là với vợ mình, chồng mình, con cái mình, cha mẹ mình? Và tôi luôn biết ơn họ bằng cách cũng trở thành những người như họ, sẵn sàng lắng nghe khi ai đó mở lời.
Mở lời để mở lòng mình thì người khác mới có thể bước vào và giúp đỡ chúng ta chứ, đúng không? Và ngay cả khi họ chẳng thể giúp đỡ mình thì cũng đừng vì vậy mà ghét bỏ họ. Bởi nỗi đau của bạn cũng đã được trút bỏ một phần thay vì đè nặng trong lòng bạn, rối rắm trong đầu bạn, bề bộn cuộc đời bạn.
Lòng tự trọng, sự tự ái hay cả những tôn nghiêm không vì việc bạn mở lời ra mà bị giảm bớt đi. Sĩ diện không giúp bạn giảm đau. Bị từ chối giúp đỡ không phải là sự sỉ nhục vì có thể người bạn đó cũng có những thương tổn, áp lực đè nặng họ. Tin vào sự giúp đỡ của mọi người cũng là cách để chúng ta còn giữ được hy vọng. Bởi cuộc đời này mà không còn hy vọng thì trống rỗng lắm, đúng không? Tin vào sự giúp đỡ bằng việc sẵn lòng giúp đỡ người khác và đừng đòi hỏi họ phải biết ơn ta. Hãy biết ơn họ vì họ đã nhờ cậy đến bạn, cho bạn được trở thành người có ích, ít nhất là với họ.
Mở lòng mình ra đi! Vì cuộc đời này có nhiều nhặn chi đâu để thêm một ngày nữa bạn phải chịu những nặng nề?
Nhà văn Hoàng Anh Tú