OneBit là quỹ đầu tư đang đứng sau 44 startup trong lĩnh vực công nghệ. Tại sự kiện ra mắt Vườn ươm Khởi nghiệp Doanh nhân trẻ ngày 26/6, CEO OneBit Ngô Hoàng Đông đánh giá, giai đoạn 2020-2021 có thể xem là "thời điểm vàng" của startup liên quan đến công nghệ chuỗi khối (blockchain) khi các dự án gọi vốn được nhiều và trong thời gian rất nhanh. Tuy nhiên phần lớn sử dụng số vốn trên không hiệu quả hoặc sai mục đích. Việc này dẫn đến tình trạng nhiều startup "sớm nở tối tàn", gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng cho các nhà đầu tư.
"Không ít công ty khởi nghiệp ra đời chỉ có mục đích gọi vốn và gọi vốn rầm rộ, không kiểm soát đến nguồn tiền không minh bạch, xuất hiện nhiều rủi ro cho các nhà đầu tư trong thời gian qua", ông nói.
Lãnh đạo Vườn ươm Khởi nghiệp Doanh nhân trẻ còn chỉ ra thị trường ghi nhận nhiều sự vụ lừa đảo, sập sàn giao dịch, các trò chơi cờ bạc núp bóng tiền mã hóa... gây thiệt hại lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Điều này tạo nên cái nhìn tiêu cực đối với blockchain và cả cộng đồng khởi nghiệp công nghệ mới.
Ông Ngô Hoàng Đông trong sự kiện ra mắt Vườn ươm Khởi nghiệp Doanh nhân trẻ, ngày 26/6. Ảnh: OneBit
Theo CoinTelegraph, thị trường tiền số ghi nhận nhiều vụ lừa đảo liên quan đến các dự án "ma", tức một nhóm phát triển tiền số nào đó từ bỏ dự án đột ngột và đem theo tất cả số tiền có được từ nhà đầu tư. Công ty nghiên cứu blockchain Chainalysis thống kê hình thức lừa đảo này khiến nhà đầu tư mất số tiền tổng cộng gần 3 tỷ USD trong năm 2021. Ngoài ra, nhiều nhà đầu tư còn bị cuỗm hết tiền vì nhận các liên kết lừa đảo, giao dịch token lạ hay nhận trợ giúp từ người lạ... Không ít nhà đầu tư Việt Nam dính vào các bẫy được các tổ chức lừa đảo giăng khắp nơi dưới hình thức startup về blockchain, tài sản số.
Các tiêu cực xảy ra trong bối cảnh thị trường công nghệ chuỗi khối tăng trưởng mạnh. Theo Hiệp hội Blockchain Việt Nam, trong số top 200 công ty, doanh nghiệp hoạt động kinh doanh dựa trên công nghệ chuỗi khối, có 7 doanh nghiệp do người Việt thành lập. Việt Nam nằm trong nhóm 5 quốc gia đi đầu về blockchain. Khoảng 10 startup người Việt trong lĩnh vực này có vốn hóa trên 100 triệu USD.
Báo cáo của MarketsandMarkets cũng chỉ ra, thị trường thiết bị liên quan đến blockchain tại Việt Nam dự kiến đạt giá trị gần 2,5 tỷ USD vào năm 2026, tăng gấp 5 lần quy mô so với năm 2021. Số lượng dự án tăng trưởng mạnh trong khoảng một năm gần đây với hơn 600 đơn vị khai sinh tại Việt Nam.
Để thúc đẩy sự phát triển tích cực, bền vững và góp phần ngăn chặn những biểu hiện tiêu cực, Vườn ươm Khởi nghiệp Doanh nhân trẻ ra đời. Vườn ươm này sẽ tập trung tìm kiếm và đầu tư vào những startup công nghệ, blockchain, thực hiện ươm tạo các ý tưởng, định hướng cho nhà đầu tư Việt Nam về kinh nghiệm, kiến thức công nghệ blockchain, trong đó có thị trường tiền mã hóa.
Ông Ngô Hoàng Đông được giao làm tổng giám đốc. Ban cố vấn của vườn ươm này gồm ông Timothy Leung - Giám đốc kinh doanh và phát triển kinh doanh toàn cầu của Alibaba, CEO tại HKAI Lab (vườn ươm AI của Alibaba). Cố vấn thứ hai là ông Steve Phan - nguyên CEO và giám đốc toàn cầu của Merrill Lynch, HSBC, Standard Chartered...
TS Nguyễn Đức Kiên - Tổ trưởng Tổ Tư vấn Kinh tế của Thủ tướng - cho rằng việc hình thành các vườn ươm là cần thiết, không thể thiếu trong bối cảnh hiện nay. "Vườn ươm là nơi giúp các bạn trẻ đổi mới tư duy và xác định rõ vị thế của mình trong thương trường; là mảnh đất để các startup tự liên kết lại với nhau", ông đánh giá.
Vườn ươm thuộc Hội doanh nhân trẻ Việt Nam công bố hiện có khoảng 30 quỹ đầu tư trong và ngoài nước trở thành đối tác chiến lược, dự định rót khoảng 3-5 triệu USD trong năm nay cho các startup. Trước mắt có hơn 300 dự án đã đăng ký tham gia, trong đó vườn ươm này chọn ra 5 dự án vào quý đầu tiên hoạt động.
"Chúng tôi đặt mục tiêu ươm tạo ra các startup đủ khả năng cạnh tranh với các doanh nghiệp công nghệ, đặc biệt có đủ sức hội nhập cùng cộng đồng doanh nghiệp blockchain trong khu vực và trên thế giới", ông Ngô Hoàng Đông chia sẻ.
Không chỉ trong lĩnh vực blockchain, hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam nhiều năm qua đạt mức tăng trưởng tốt. Báo cáo mới đây của Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) cho kết quả, tổng vốn đầu tư mạo hiểm cho các startup tại Việt Nam trong năm ngoái đạt mức kỷ lục 1,5 tỷ USD. Con số này cao gấp 3 lần so với năm 2020. Dự báo, vốn đầu tư vào startup Việt năm 2022 có thể đạt 2 tỷ USD.
Theo Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ, Việt Nam có khoảng 3.800 startup, trong đó có khoảng 11 đơn vị được định giá trên 100 triệu USD. Cả nước có hơn 200 quỹ đầu tư đang hoạt động và hơn 100 tổ chức thúc đẩy kinh doanh, cơ sở ươm tạo...
Tất Đạt