Sông cạn nước đe dọa kinh tế Trung Quốc

25/08/2022 14:36
Nhiều nhà máy Trung Quốc đã phải đóng cửa vì thiếu điện, do mực nước sông thấp ảnh hưởng đến hoạt động thủy điện.

10 năm nay, ông Wan Jinjun (62 tuổi) ngày nào cũng bơi ở sông Dương Tử. Tuy nhiên, ông chưa bao giờ thấy hạn hán như hiện tại. So với cùng kỳ mọi năm, mực nước sông này đang ở mức thấp nhất 157 năm.

"Mực nước vẫn tiếp tục giảm", Wan nói. Tuần trước, ông đã phải đi xuống gần 100 bậc thang - mà ngày chìm dước nước - để bơi giải nhiệt vào một ngày oi bức.

Mùa hè khắc nghiệt đã gây thiệt hại cho con sông dài nhất châu Á này. Sông Dương Tử hiện cấp nước cho các trang trại và các trạm thủy điện lớn, bao gồm cả Đập Tam Hiệp - nhà máy thủy điện lớn nhất thế giới.

Mực nước thấp trên sông Dương Tử đã ảnh hưởng đến việc phát điện tại nhiều nhà máy quan trọng, gây ra thiếu hụt năng lượng. Các thành phố lớn, bao gồm cả Thượng Hải, đang tắt bớt đèn, thang cuốn và giảm dùng điều hòa nhiệt độ.

Sông cạn nước đe dọa kinh tế Trung Quốc

Bờ sông Dương Tử ở Vũ Hán vào ngày 22/8. Ảnh: Bloomberg

Tesla đã lên tiếng cảnh báo gián đoạn trong chuỗi cung ứng với nhà máy ở Thượng Hải. Toyota và Contemporary Amperex Technology - nhà sản xuất pin xe điện hàng đầu thế giới, đã đóng cửa các nhà máy vì thiếu điện.

Với việc biến đổi khí hậu gây ra các đợt nắng nóng, hạn hán thường xuyên và dai dẳng hơn, tình trạng mất điện hiện đặt ra câu hỏi dài hạn về sự phụ thuộc của Trung Quốc vào thủy điện. Đây là nguồn năng lượng chiếm khoảng 18% sản lượng điện năm 2020, theo BloombergNEF.

Dù khủng hoảng năng lượng ít nghiêm trọng hơn nhiều so với năm 2021 - khi tình trạng thiếu than dẫn đến việc cắt điện diện rộng - nó vẫn làm tăng thêm thách thức mà các nhà chức trách đang phải đối mặt. Họ hiện phải hồi sinh nền kinh tế vốn đã bị vùi dập bởi các đợt phong tỏa chống dịch và khủng hoảng bất động sản.

Tỉnh Tứ Xuyên, nơi hứng chịu đợt hạn hán tồi tệ nhất kể từ những năm 1960, đến nay là nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất do phụ thuộc nhiều vào thủy điện. Khi sản lượng điện giảm một nửa, nhu cầu tiêu thụ điện do nắng nóng lại tăng 25%. Điều này làm tăng áp lực cho lưới điện của tỉnh, nơi phục vụ dân số có quy mô bằng nước Đức và các khu công nghiệp - nơi có nhà máy của các nhà cung cấp cho Tesla.

Trung Quốc vốn có số lượng pin mặt trời và tuabin gió lớn nhất thế giới, đồng thời đang đổ tiền mạnh mẽ vào năng lượng tái tạo để giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu nhập khẩu. Các công ty nước này đã đầu tư 98 tỷ USD vào năng lượng sạch trong nửa đầu năm 2022, cao gấp đôi cùng kỳ năm 2021.

Theo Hanyang Wei - nhà phân tích của BloombergNEF, tình trạng thiếu điện ở Tứ Xuyên cho thấy thủy điện, thường được coi là nguồn năng lượng tái tạo ổn định nhất, vẫn không đáng tin cậy bằng than đá. Điều này làm dấy lên nghi ngờ về khả năng Trung Quốc chấm dứt sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Vì điện gió và mặt trời thậm chí còn kém ổn định hơn.

Sau cuộc khủng hoảng năm ngoái, Trung Quốc bắt đầu lên kế hoạch sản xuất điện than nhiều hơn. Các mỏ than đã tăng sản lượng thêm 11% trong năm nay. Li Shuo - nhà phân tích của Tổ chức Hòa bình Xanh Đông Á, cho biết tình hình ở Tứ Xuyên gợi nhớ đến tình trạng mất điện ở tỉnh Hồ Nam cuối năm 2020, khi thời tiết lạnh giá nghiêm trọng làm giảm lượng gió và khiến nhu cầu điện tăng cao để sưởi ấm. Chính phủ đã phản ứng bằng việc phê duyệt một loạt nhà máy điện than ở Hồ Nam.

Các kho dự trữ than đầy đủ đã giúp cuộc khủng hoảng không lan sang các khu vực khác của Trung Quốc. Tuy nhiên, nó cũng chẳng giúp ích nhiều cho Tứ Xuyên - nơi thủy điện chiếm hơn ba phần tư công suất phát điện.

Dù vậy, tình hình hiện tại dự kiến sẽ ít thách thức hơn năm ngoái vì các biện pháp nghiêm khắc nhất chủ yếu được thực hiện ở Tứ Xuyên - nơi chỉ chiếm 5% GDP cả nước. Tuy nhiên, nó có thể gây rủi ro cho nền kinh tế quy mô 18.000 tỷ USD của Trung Quốc. Các nhà kinh tế học đã hạ triển vọng tăng trưởng năm nay của Trung Quốc xuống dưới 4%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu 5,5% của chính phủ.

Ở Vũ Hán, nhiệt độ mùa hè này thường xuyên đạt 40 độ C. Công ty của Luo Yi (26 tuổi) đầu năm nay đã chuyển cảng nổi vào gần bờ hơn để có thêm chỗ cho hoạt động vận chuyển trên con kênh khô cạn. "Đây là mùa hè nóng nhất tôi nhớ được", Luo nói khi đang cố gắng trú trong bóng râm tại một bến phà dọc sông Dương Tử.

Sông cạn nước đe dọa kinh tế Trung Quốc

Khách tự đi bộ trên thang cuốn ngừng hoạt động ở một trung tâm thương mại tại Vũ Hán hôm 22/8. Ảnh: Bloomberg

Tại Heartland 66, một trong những trung tâm mua sắm sang trọng hàng đầu của Vũ Hán với các cửa hàng như Gucci, Prada và Tiffany & Co., lệnh giảm tiêu thụ điện đồng nghĩa người mua sắm phải đi bộ trên thang cuốn. Điều hòa không khí cũng giảm hoạt động, khiến các khu ẩm thực trên tầng cao nhất trở nên ngột ngạt.

Gần bến Hán Khẩu trên sông Dương Tử ở Vũ Hán, ông Jiang Guangming (65 tuổi) ngâm mình trong nước để tránh ánh nắng chiếu xuống vai. Ông đã chèo thuyền trên sông này từ thời niên thiếu. "Những năm trước, nước dâng ngang mặt đường. Nhưng năm nay, cát ở lòng sông thậm chí còn lộ ra", ông nói.

Phiên An (theo Bloomberg)

Theo vnexpress.net

Sông cạn nước đe dọa kinh tế Trung Quốc - Tin Tức