Từ rất lâu rồi, những chiếu nồi đất đã trở nên thân thiết với các gia đình Việt trên khắp mọi miền đất nước. Chiếc nồi đất cũng đã trở thành kỷ vật gắn liền với tuổi thơ của nhiều thế hệ, là vật dụng thân thương của biết bao người mẹ, người chị trong gia đình.
Những ngày giáp Tết, hàng trăm người nông dân chân chất ở Trù Sơn - làng “độc nhất vô nhị” tại xứ Nghệ chế tác ra các loại nồi bằng đất, vẫn đang ngày đêm thắp cháy ngọn lửa nghề truyền thống của cha ông, với khát vọng níu giữ hồn làng, nét tinh tuý, mộc mạc vọng về từ quá khứ.
Chẳng ai biết nghề làm nồi đất trứ danh khắp cả nước nơi mảnh đất Trù Sơn (huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An) có tự bao giờ. Các cụ cao niên người làng nói, phải đến vài trăm năm có lẻ, thậm chí hơn. Qua bàn tay tinh tế của những người nông dân chân lấm tay bùn, những chiếc nồi bằng đất sản xuất hoàn toàn theo phương pháp thủ công qua thời gian vẫn vang vọng, tha thiết như nhắc nhớ về một miền ký ức thân thương.
Làng Trù Sơn bận rộn những ngày cuối năm
Về Trù Sơn những ngày cuối năm, khi mai vàng, đào phai vừa chớm nở, nghe vang vọng khắp làng là âm thanh những tiếng gõ nồi thân thuộc mải miết khắp không gian, ngập tràn trên những con đường làng, ngõ nhỏ.
Những chiếc nồi đất Trù Sơn được làm hoàn toàn bằng tay. Tất cả công cụ làm gốm chỉ là một bàn xoay, miếng giẻ nhỏ, những khoanh nứa mỏng để tạo dáng. Để có vật liệu ưng ý, người làng lặn lội vượt quãng đường cả trăm km đến nhiều vùng đất xa xôi của xứ Nghệ lựa chọn đất kỹ lưỡng.
Đất sau đó được những người nông dân mới sáng sớm đây thôi còn ăn vội bát cơm nguội, hối hả dắt theo con trâu ra đồng cày cấy nhồi nặn, cho lên bàn xoay để tạo hình. Qua bàn tay tỉ mẩn, điêu luyện của những người thợ, nồi được gọt lại trơn mướt, rồi đem phơi nắng. Công đoạn “chốt hạ” là sắp xếp tất cả cho vào lò nung.
Khâu nung gốm tưởng đơn giản nhưng quyết định thành bại. Một mẻ nung, vài trăm chiếc nồi được xếp trong lò tam giác được xây bằng đá ong, phủ kín phía ngoài một lớp rơm dày để giữ nhiệt.
Gốm được nung bằng lá thông, bạch đàn trong 4 - 5 giờ liên tục. Xuyên suốt thời gian này, những người thợ phải biết cách canh lửa, to nhỏ hài hoà. “Quá lửa một tý thôi là “đổ sông đổ bể”, cả mẻ gốm đi toong” - cụ Phan Văn Tèo chia sẻ về nghề.
Nồi đất Trù Sơn được đánh giá đốt chín đều, màu sắc bóng, tiếng kêu thanh. Nồi nhẹ tênh qua cách nung truyền thống, mỏng nhưng bền, giữ được màu đất dân dã, đặc trưng. Nồi thông dụng trong đời sống hàng ngày của người dân, dùng để kho thịt cá, sắc thuốc, đồ xôi…
“Việc lựa chọn chiếc nồi ưng ý để tung ra thị trường tưởng dễ, nhưng thực ra không đơn giản. Phải có kinh nghiệm, tâm hồn, và cả những nỗi đam mê. Gõ vào chiếc nồi phải biết “nghe”, cảm nhận, nếu phát ra âm thanh trong, vang là ổn. Ngược lại nếu lè rè thì chắc luôn, tui “cắm sổ đỏ” khẳng định nồi đã rạn vỡ” - bà Trần Thị Năm (53 tuổi), người gắn bó với nghề truyền thống cha ông từ thuở mười tám đôi mươi nói.
Phó Chủ tịch UBND xã Trù Sơn Lê Xuân Thọ cho hay, qua nhiều cuộc thăng trầm, đổi thay, hàng trăm người dân địa phương vẫn chưa bao giờ nguội lạnh, phôi pha ngọn lửa gắn bó với nghề.
“Gốm Trù Sơn dù không bắt mắt, sặc sỡ, nhưng vẫn còn giữ được những nét cơ bản, nguyên sơ của gốm cổ. Nồi có thể đun nấu bất kỳ thứ gì nhưng vẫn giữ nguyên được hương vị vốn có. Đó chính là nét đặc trưng” - ông Thọ ngước nhìn về phía con đường làng, nơi hàng vạn chiếc nồi đất “đặc sản” quê hương đang trải dài tít tắp.
Dân Trù Sơn những năm trước khi làm ra sản phẩm phải dùng xe đạp, xe thồ xuôi Hà Nội, Lạng Sơn, ngược Quảng Bình, Ninh Thuận…chở hàng ngàn chiếc nồi rong ruổi theo những nẻo đường thiên lý Bắc Nam rao bán. Mỗi chuyến hành trình ngược xuôi khắp dải nước Việt kéo dài vài tuần, cả tháng, với hành trang là tay nải, cơm nắm.
“Giờ nung xong chả cần cơ cực chở đi đâu. Tiếng lành đồn xa, nồi đất Trù Sơn giờ xuất lò là thương lái đánh xe tải hừng hực khí thế xếp hàng tận cổng chờ thu mua” - ông Lê Văn Tư (58 tuổi) ánh mắt lấp lánh, nụ cười hiền nói về sản vật quê nhà.
Trải qua bao biến cố, thăng trầm, người người nông dân chân chất tại làng nghề nồi đất riêng có tại xứ Nghệ hàng trăm năm qua vẫn say mê, đau đáu với nghề. Những người làng nói, đó chẳng đơn giản chỉ là cuộc mưu sinh. Mà là khát vọng giữ gìn dấu tích, nét đẹp làng nghề truyền thống. Để tiếng vọng “làng nồi” mãi mãi ngân xa.
Ảnh: Nguyễn Đạo -> Làng mứt gừng “trúng đậm” ngày cận Tết
Quang Minh - Anh Tuấn