Dân gian còn lưu truyền vào một ngày nọ có người tiều phu ở An Lãng (Yên Thọ) đi rừng và nhìn thấy những hòn đá đen nằm lăn lóc trên sườn núi bèn đem kê làm ông đầu rau (kê bếp) để nấu cơm ngay bên bờ suối. Một lúc sau, những hòn đá bắt lửa, đỏ rực lên và toả nhiệt lượng lớn.
Dân chúng trong vùng báo cho quan trên biết về những “đá cháy” có khả năng phát sáng. Triều đình Huế đã biết thêm được một nguồn tài nguyên quý giá ở vùng phía Bắc xa xôi và dù việc vận chuyển vất vả, Bộ Hộ khi ấy đã yêu cầu đào lấy mười vạn cân đá đen mang vào kinh thành Huế.
Khu di tích “Tổ nghề” của ngành than tại địa chỉ miếu Mỏ, nằm trên núi Yên Lãng phường Yên Thọ, TX Đông Triều (Quảng Ninh)
Vị quan trực tiếp liên quan tới việc khai thác than ở Đông Triều là Tôn Thất Bật khi ấy đang làm Tổng đốc Hải Yên - một vùng đất bao gồm tỉnh Hải Dương, Quảng Ninh hiện nay. Tháng 12 năm 1839, Tôn Thất Bật dâng sớ xin phép triều đình cho khai thác than ở vùng Đông Triều.
Sách "Đại Nam thực lục" ghi rằng: “Tổng đốc Hải Yên là Tôn Thất Bật dâng sớ xin thuê mướn dân đào lấy than mỏ (núi An Lãnh ở Đông Triều). Trước đây, bộ tư đào lấy 10 vạn cân, đến kì tải đưa nộp về kinh. Vua phê bảo: “Nhân dân hạt ngươi vừa mới hồi lại được yên vui, sao nỡ đem việc không cần kíp làm mệt nhọc người ta, chầm chậm lại cũng chưa muộn gì”.
Bật tâu nói: “Dân hạt ấy sau khi xảy ra gặp tai hại riêng, lại luôn bị vụ mùa tổn thất, đời sống có điều khó khăn, chúng đều tình nguyện đi làm thuê trông vào tiền công để nuôi thân”. Vua bèn cho làm.
Nếu coi Tôn Thất Bật là vị “giám đốc” đầu tiên của ngành khai thác than ở Việt Nam thì vua Minh Mạng chính là “lãnh đạo tối cao” đầu tiên của ngành. Từ sau chỉ dụ của vua Minh Mạng, quá trình khai thác than ở Việt Nam chính thức được hình thành. Đối chiếu Âm lịch và Dương lịch thì ngày 6 tháng 12 năm Minh Mạng thứ 20 (Kỷ Hợi) là ngày 10 tháng 1 năm 1840, vua Minh Mạng ra bức chỉ dụ cho tổng đốc Hải Yên chính thức khai thác than ở vùng núi Yên Lãng.
Như vậy, không phải người Pháp mà chính người Việt là những người đầu tiên đã phát hiện ra than đá và khai thác than đá ở Đông Triều. Cũng từ đó đã hình thành đội ngũ thợ mỏ ở địa phương để khai thác than đá trước khi triều đình nhà Nguyễn ký bán khu mỏ Đông Triều cho người Pháp.
Khu di tích miếu Mỏ rộng 40ha và khu đền Bà Chúa Kẽm rộng 3,5ha trên khu vực đồi cao
Ngày nay, di tích miếu Mỏ, địa điểm khai thác than đầu tiên hiện nằm trên địa phận núi Yên Lãng, phường Yên Thọ, TX Đông Triều. Đồng thời, cách nơi phát hiện than đá không xa còn có khu đúc tiền, dân trong vùng dựng một ngôi miếu thờ Bà Chúa Kẽm. Trước đây trên bề mặt của khu đúc còn có nhiều mảng xỉ lò và phế liệu, trong quá trình canh tác nông nghiệp và cải tạo đất đai, nhân dân đã thu dọn đi, điều này chứng tỏ cùng với sự phát hiện ra “đá cháy” kéo theo sự phát triển của các ngành nghề công nghiệp khác.
Miếu Mỏ ngày xưa được dựng bằng gạch, trải qua mưa nắng là hư hỏng, lập tức anh em thợ thuyền cùng người thân của họ lại hùa nhau vào sửa chữa. Ngôi miếu ở đây là ngôi miếu tâm linh, với người "ăn cơm dương gian làm việc âm phủ" thì niềm tin lúc nào cũng quan trọng. Đồng thời, giúp họ chắc tay búa, rắn tay choòng, ánh mắt tinh nhạy quan sát xung quanh. Về ngày, tháng cụ thể, chính xác lần đầu tiên ngôi miếu được dựng thì hiện chưa xác định được.
Người dân trong vùng đều khẳng định chắc chắn, ngôi miếu được dựng lên khi việc khai thác than ở khu vực này được mở ra. Miếu còn thờ những người đi rừng, người làm than tứ xứ chết không có người hương khói. Đến năm 2000, các cụ cao tuổi xã Yên Thọ, trong đó có nhiều thợ mỏ về hưu đã đồng tâm đồng lòng xây dựng lại ngôi miếu trên nền cũ.
Nhà bia tưởng niệm những người thợ mỏ đã hy sinh vì sự nghiệp sản xuất than
Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam ngay từ những ngày đầu thành lập đã triển khai xây dựng dự án trùng tu di tích miếu Mỏ ở Yên Thọ. Tập đoàn đã cùng với Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tìm và khôi phục bức chỉ dụ của vua Minh Mạng ngày 10 tháng 1 năm 1840 và ngành Than đã lấy ngày này làm ngày lịch sử của ngành, xúc tiến việc làm hồ sơ xếp hạng di tích.
Đến năm 2008, UBND tỉnh Quảng Ninh công nhận “Địa điểm khai thác than đầu tiên của Việt Nam” tại núi Yên Lãng là di tích cấp tỉnh. Năm 2009, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam tiến hành dự án bảo quản, tu bổ khu di tích.
Khu di tích miếu Mỏ rộng 40ha và khu đền Bà Chúa Kẽm rộng 3,5ha trên khu vực đồi cao, công trình hoàn thành đưa vào sử dụng từ cuối năm 2016. Đến tháng 10/2019, khánh thành công trình Nhà bia tưởng niệm những người thợ mỏ đã hy sinh vì sự nghiệp sản xuất than.
Vào mỗi dịp lễ, Tết, ngày lễ trọng của ngành Than, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam cùng các đơn vị lại về đây dâng hương như một nét đẹp truyền thống, tri ân các bậc tiền nhân đã khai sinh ra ngành than Việt Nam và những người thợ mỏ đã hy sinh vì sự nghiệp sản xuất than qua đó tôn vinh những giá trị văn hoá truyền thống, tuyên truyền giáo dục truyền thống cách mạng.
P.V